Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy,ướpngânhàngvàhiểmhọatừcáchộinhómquáigởtrênmạba Chi hội trưởng Chi hội tâm lý học trường học TP.HCM (thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, những người đang trong tình trạng nợ nần túng quẫn thường cảm thấy tuyệt vọng, không còn hy vọng giải quyết khó khăn bằng chính năng lực của bản thân. Họ rất dễ nổi nóng, thiếu khả năng điều tiết cảm xúc và hành động. Họ thiếu nhận thức đúng đắn về pháp luật, không suy nghĩ kỹ về hậu quả, về tương lai nên dễ dẫn đến hành vi cướp tài sản, mà gần đây cướp ngân hàng nổi lên như một hiện tượng.
Thạc sĩ Huy đánh giá, những hội nhóm khuyến khích làm liều gây tác động xấu, thôi thúc người nợ nần hành động dại dột. Các hội nhóm này đa phần được một số người tạo ra dựa trên tâm lý đám đông khi tại môi trường này tập hợp rất nhiều người cùng hoàn cảnh, cùng suy nghĩ và có thể tệ hơn là cùng động cơ gây án.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các hội nhóm trên mạng, bởi bản thân những nghi phạm cướp ngân hàng vẫn là đối tượng chính, là người đã nghĩ ra ý định cướp để... giải quyết khó khăn. Các nhóm này chỉ là môi trường góp phần khuếch đại nguy cơ vi phạm pháp luật và là môi trường thuận lợi cho các nghi can có ý định gây án gặp nhau, từ suy nghĩ sẽ có khả năng thành hành động.
Giây phút kinh hoàng và chân tướng 2 nghi phạm cướp ngân hàng, đâm chết bảo vệ
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM nhận định, có nhiều nguyên nhân thúc đẩy các nghi can hành động cướp ngân hàng. Đó có thể là một bộ phận thanh thiếu niên lười lao động, muốn có tiền mà không phải đi làm, hay một số người thường xuyên tiếp xúc với phim ảnh, trò chơi bạo lực nên bị ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ. Hoặc cũng có thể là người nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá dẫn đến thua lỗ, không có tiền trả nợ. Nguy hiểm hơn là những người lợi dụng các hội nhóm trên mạng xã hội để câu kết, kêu gọi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm) phân tích, khi người ta rơi vào cảnh túng quẫn không lối thoát, suy nghĩ của họ thường tiêu cực, có xu hướng tìm những nguồn tiền bất hợp pháp và muốn tìm cách nhanh nhất để kiếm có nhiều tiền. Nghiêm trọng hơn, sự xuất hiện của các hội nhóm "quái gở" trên mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người này.
Theo TS Đoàn Văn Báu, thực tế từ những vụ án cướp tài sản nói chung và cướp ngân hàng nói riêng, các nghi phạm gây án đều có kết cục không tốt đẹp và phải trả giá bằng hình phạt thích đáng của pháp luật.
Chuyên gia Đào Văn Báu thông tin thêm, tỷ lệ thoát tội của các nghi phạm cướp ngân hàng rất thấp, bởi dù tinh vi đến đâu thì các nghi phạm cũng sẽ để lại những sơ hở, dấu vết. Đó chính là manh mối để cơ quan điều tra truy xét. Đặc biệt, khi xảy ra một vụ cướp ngân hàng, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ huy động tất cả mọi lực lượng để tập trung truy bắt các nghi phạm, đồng phạm...
Qua một số vụ cướp ngân hàng xảy ra, để chủ động phòng ngừa loại tội phạm này, trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TP.HCM đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ. Một ca bảo vệ nên có từ 4 đến 6 người tham gia.
Theo trung tá Hưng, theo thống kê của các vụ cướp ngân hàng xảy ra thời gian gần đây, các nghi phạm sử dụng súng giả, súng nhựa và công cụ hỗ trợ, vì vậy ngân hàng phải nâng cao ý thức của lực lượng bảo vệ. Yêu cầu lực lượng bảo vệ ngân hàng cần quyết liệt khi xảy ra sự cố để bảo vệ tính mạng, tài sản của khách hàng cũng như tài sản, tính mạng của cán bộ, công nhân viên ngân hàng.
Xem nhanh 20h ngày 27.10: Lắt léo đường tẩu thoát vụ cướp ngân hàng | Bếp ăn trường bị tố có đồ ôi thiu
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cũng cho rằng các ngân hàng cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh bằng cách thường xuyên cập nhật tin tức về hành vi, thủ đoạn của loại tội phạm này. Đồng thời tập huấn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của nhân viên, bảo vệ. Ngoài ra, cơ quan công an cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên, bảo vệ ngân hàng để có thể chủ động xử lý khi gặp cướp.
Theo luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM), theo điều 168 bộ luật Hình sự về hành vi cướp tài sản, tùy vào tính chất hành vi, phương thức gây án hay mức độ nguy hiểm cho xã hội để xác định trách nhiệm hình sự, người vi phạm ở tội này có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm hoặc cao nhất là tù chung thân. Nếu đang chuẩn bị phạm tội thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể lên đến 5 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.